Các dấu hiệu nhận biết phân bón đủ, thừa hay thiếu cho cây trồng
Dưới đây là các dấu hiệu cây trồng đủ, thừa, thiếu phân bón.
Dấu hiệu về cây trồng đủ lượng phân bón
Tình hình sinh trưởng, phát triển kém hay khỏe mạnh của cây trồng, bà con có thể nhận biết qua các đặc điểm hình thái của cây (sự phát triển của thân lá, sự ra hoa,…). Nếu có đủ phân bón, đủ các dưỡng chất cần thiết cây trồng sẽ sinh trưởng, phát triển tươi tốt, khỏe mạnh. Tuy nhiên, những biểu hiện bên ngoài đó cùng tùy thuộc vào từng loại giống, từng loại cây, trên từng loại đất và kỹ thuật khác nhau. Để sử dụng phân bón hợp lý, cân đối bà còn cần quan sát, xác định từng yếu tố:
- Độ đồng đều về đặc điểm hình thái bên ngoài, về sức khỏe, về các giai đoạn phát triển, về năng suất trên cùng một diện tích.
- Khả năng phát triển, sinh trưởng của cây như chiều cao cây, số cành, số nhánh hữu hiệu, kích thước, số lượng lá, số hạt/củ/quả/bông trên cây.
- Nắm bắt được sự gây hại của sâu bệnh như mức độ bị hại, số cây bị hại, mật độ sâu, các loại kẻ thù tự nhiên, thiên địch.
Cây trồng thiếu phân bón
Thiếu các chất dinh dưỡng cây trồng sinh trưởng, phát triển kém, không bình thường, giảm năng suất. Cây trồng sẽ có một số biểu hiện như:
– Thiếu đạm (N) cây sẽ sinh trưởng phát triển kém, còi cọc, lá cây sẽ úa vàng. Khả năng quang hợp yếu, năng suất giảm mạnh, khả năng phân cành, đẻ nhánh kém.
– Thiếu lân (P) lúc đầu lá màu xanh đậm, xuất hiện các vệt có màu đỏ sẫm. Biểu hiện từ dưới lên, từ ngoài mép vào, lá nhỏ, sinh trưởng kém, chậm.
– Thiếu kali (K) là có bề ngang hẹp, lá ngắn, mép ngoài lá bị héo và khô.
– Thiếu hụt magiê (Mg) lá vẫn còn xanh nhưng gân bị úa vàng.
– Thiếu hụt lưu huỳnh (S) gân lá chuyển vàng khi thịt lá còn xanh, sau đó mời dần chuyển vàng.
– Thiếu hụt canxi (Ca) các lá non mới ra thường bị biến dạng, cong queo, bộ rễ kém phát.triển.
– Thiếu hụt sắt (Fe) màu của phần thịt lá chuyển sang trắng hay vàng, gân lá vẫn còn màu xanh.
– Thiếu mangan (Mn) phần gân lá màu vàng, thịt lá xuất hiện các đốm màu vàng rồi bị hoại tử.
– Thiếu hụt đồng (Cu) cây có triệu chứng chảy gôm, đỉnh lá có màu trắng.
– Thiếu hụt bo (B) chồi bị chết, chồi lụi dần, các lá non chết dần. Không có hoa hoặc hoa ít, tỷ lệ đậu quả thấp, dễ rụng.
– Thiếu hụt kẽm (Zn) lá nhỏ, biến dạng, thịt lá có màu vàng nhưng gân lá vẫn giữ màu xanh.
Cây trồng dư thừa phân bón
Cây trồng sẽ có những triệu chứng/biểu hiện:
– Thừa đạm (N) cây sinh trưởng/phát triển quá mạnh. Cây yếu dễ bị đổ ngã, dễ bị sâu bệnh tấn công. Đặc biệt với các loại đạm vô cơ sẽ không chuyển hóa hết làm tích lũy gây độc cho cây, tích lũy NO3- trong sản phẩm gây hại cho sức khỏe của con người.
– Thừa lân (P) sẽ làm nông sản chín sớm, chưa kịp tích lũy các chất (tinh bột, đường, protein,…) để có một vụ mùa đạt năng suất cao.
– Thừa kali (K) ở mức thấp sẽ hạn chế cây hấp thu một số chất như magie, natri,… Dư thừa ở mức cao sẽ ngăn cản sự hút nước và các chất dinh dưỡng của cây trồng. Gây tác động xấu đến sự sinh trưởng, năng suất và chất lượng của cây trồng.
– Thừa magie sẽ làm thiếu hụt kali, thừa lưu huỳnh thì bị cháy lá hoặc lá nhỏ.
Vì vậy, nên việc bón phân đầy đủ để cung cấp đủ và cân đối các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng là rất cần thiết, không những tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, khỏe mạnh mà còn giúp nâng cao năng suất, chất lương của nông sản.