Hướng dẫn bón phân và chăm sóc trên cây khoai lang
1. Quy trình kĩ thuật canh tác khoai lang ở Đông Nam Bộ
Đất trồng:
– Thích hợp ở vùng đất đỏ và đất xám.
– Cần lên luống, thoát nước, tơi xốp, ít phèn mặn, pH> 6. Đất phải được dọn sạch cỏ, cày một lần, bừa một lượt trước khi lên luống.
Thời vụ:
Có thể trồng 4 vụ/năm, thời gian xuống giống tùy theo nông lịch ở từng địa phương.
– Hai vụ mùa mưa: vụ khoai lang hè thu ( trồng tháng 5 thu hoạch đầu tháng 8) luân canh với ngô/lạc/đậu nành/đậu xanh/dưa hấu thu đông. Vụ khoai lang thu đông (trồng đầu tháng 8 thu hoạch cuối tháng 10) luân canh với ngô/lạc/đậu nành/đậu xanh của vụ hè thu.
– Hai vụ mùa khô : vụ đông xuân (trồng tháng 11 thu hoạch tháng 2) luân canh với lúa mùa. Vụ khoai lang xuân hè ( trồng tháng 1 thu hoạch tháng 4 ) luân canh với lạc/rau/ngô/khoai lang đông xuân. Khoai lang trồng mùa khô cần phải chủ động tưới nước.
2. Giống
– Khoai lang có thịt củ màu vàng cam thích hợp bán tươi: Kokey, Hoàng Long, HL518…
– Khoai lang có thịt củ màu trắng, năng suất cao: K51, Chiêm Dâu, KB1, HL491, Khoai gạo.
3. Kỹ thuật trồng
– Dây giống chọn đoạn một và đoạn hai của những dây mập mạnh ,không sâu bệnh ,hom giống cắt dài 25-30cm.
– Luống ,khoảng cách trồng và cách trồng :
– Lên luống rộng 1-2m, cao 30-35 cm, độn rơm rạ, cây phân xanh, phân chuồng giữa luống để đất tơi xốp giúp khoai lớn củ nhanh.
– Mỗi mét dài trồng 5 hom với khoảng cách trồng 18-22cm, tương ứng với mật độ trồng khoảng 40000-42000 hom. Cách đặt hom thẳng dọc luống, lấp đất sâu 5-6cm.
4. Bón phân kết hợp làm cỏ, nhấc dây
Phân bón dùng cho mỗi héc ta : 5-10 tấn phân chuồng +150 kg ure+200 kg supe lân+150 kg K2SO4 (Kali sulphate: 51% K2O, 18% S).
– Bón lót: Toàn bộ phân hữu cơ và phân lân, bón lót trước khi lên luống và 1/3 đạm và 1/3 kali khi lên luống.
– Bón thúc 1: Thời gian 15-30 ngày sau khi trồng, 1/3 lượng đạm và 1/3 lượng kali sulphate bón vào hai bên luống, cách gốc 15-20 cm, lấp đất sau khi bón.
– Bón thúc 2: Thời gian 45-60 ngày sau trồng, bón số phân đạm và phân kali sulphate còn lại.
+ Làm cỏ, xáo xới, điều tiết lượng phân bón cho phù hợp
+ Nhấc dây để hạn chế rễ phụ cây khoai lang, tạo điều kiện tập trung dinh dưỡng về củ.
Lưu ý: tưới nước bổ sung cho khoai lang tránh bị hạn đầu vụ và khô hạn cuối vụ .
5. Phòng trừ sâu bệnh
– Phòng trừ sùng khoai lang (cylas formicarius) bằng bẫy sinh học pheromone, tuyến trùng bằng thuốc ISK bột gói 3 kg của Nhật, lượng sử dụng 30 kg/ha xử lí ngay lúc trồng.
– Sử dụng dây giống khoai lang đã được phục tráng, sạch virus, được thực hiện 3 năm một lần bằng cách ươm củ giống tuyển chọn, nhổ bỏ những dây lang bị virus xoăn lá để tránh lây lan.
– Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phòng trừ kịp thời sâu bệnh gây hại.
6. Thu hoạch – phân lọai củ ,chế biến và tiêu thụ
– Đối với các giống khoai lang phổ biến hiện nay ở vùng Đông Nam bộ thường thu hoạch 90-100 ngày ở mùa mưa, 85-95 ngày ở mùa khô.
– Tuỳ theo nhu cầu thị trường mà phân loại củ để chế biến và tiêu thụ phù hợp: củ lớn và củ vừa được dùng để bán tươi và chế biến thực phẩm, củ nhỏ và dây lá dùng cho chăn nuôi, lá của một số giống khoai lang chọn lọc hiện được ưa chuộng để làm rau xanh và làm nước sinh tố.