Vi sinh vật bản địa (IMO) là các nhóm vi sinh vật có sẵn ở trong vườn, trong địa phương, khu vực, quốc gia. Mỗi loại cây trồng, mỗi loại đất, mỗi loại khí hậu sẽ có nhóm vi sinh vật bản địa khác, các nhóm vi sinh này có thể thích ứng rộng hoặc thích ứng hẹp (tùy chủng loại vi sinh).
Vi sinh vật bản địa (IMO) cũng có nhiều nhóm, có lợi lẫn có hại, con nào có nhiều, con nào có ít thì chưa biết được.Trong điều kiện đất rừng, chưa có sự can thiệp của con người, các nhóm vi sinh có lợi và có hại thường ở trạng thái cân bằng (hại và lợi sống chung hòa).
Trong điều kiện đất nông nghiệp, vi sinh vật có hại tỏ ra ưu thế hơn, vi sinh có lợi ít có điều kiện phát triển. Trong điều kiện mất cân bằng vi sinh như thế, nếu để “tự nhiên” và chờ vi sinh có lợi sinh sôi mạnh thì rất KHÓ, có khi rất lâu mới phát huy tác dụng.
Vi sinh vật thì vô hình, không nhìn thấy được bằng mắt thường, nếu có nhìn thấy được thì cũng không phân biệt được con vi sinh nào là vi sinh nào, cũng không biết được hoạt tính của nó ra sao.
Ở góc độ chuyên môn, các nhà khoa học tìm cách “bắt” con vi sinh vật mong muốn, gọi là phân lập vi sinh. Nói thật, để bắt được con vi sinh mong muốn không đơn giản. Kỹ thuật phân lập ở đây không phải bắt một lần tùm lum con, trong tùm lum con đó chỉ bắt đúng một con (chủng loại) mong muốn, thông qua kỹ thuật gọi là tách ròng.
Bắt được con vi sinh mong muốn, biết được tên chủng loại, chưa nói lên được điều gì. Không biết được con này có phải dạng tinh hoa hay không, hoạt tính ra sau, khả năng thích ứng khi đưa ra ngoài thực tế. Nhà khoa học, tiếp tục thử hoạt tính của các chủng vi sinh này trong điều kiện phòng thí nghiệm, đo đạc bằng số liệu thực tế.
Khi đã đánh giá được hoạt tính trong phòng thí nghiệm, mới tiến hành ứng dụng ra điều kiện ngoài đồng. Vi sinh thuần chủng sẽ được nhân lên với mật số cao, trong điều kiện nghiêm ngặt đảm bảo không bị tạp nhiễm mấy con linh tinh. Sau đó các chủng vi sinh này sẽ được thả lại vườn, với mật số đông như thế và thông qua tuyển chọn, các vi sinh vật có ích này ngay lập tức áp đảo các nhóm có hại, phát huy tác dụng nhanh chóng.
Kỹ thuật “bắt vi sinh bản địa” là như thế. Không phải tìm cách “bẫy” như bẫy chuột, bằng cơm, cám, bắp,… rồi cho rỉ mật này nọ cho sủi bọt, tạo màng rồi bảo là vi sinh bản địa, tưới cho vườn. Đúng là bản địa, nhưng lợi hay hại, hoạt tính như nào thì chưa biết. Thường thì các kỹ thuật bắt như này, phù hợp cho việc ủ phân, khử mùi hôi hơn.
SẢN XUẤT VI SINH BẢN ĐỊA IMO, PHÂN BÓN TỪ RÁC THẢI HỮU CƠ; TĂNG GIA SẢN XUẤT, BẢO VỆ MÔI TRƯỞNG các bạn có thể tham khảo thêm thông tin tại www.huongtoan.thuathienhue.gov.vn/?gd=4&cn=28&tc=33199