Muốn cây phát triển tốt, đạt năng suất cao thì ta phải đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây. Để cây đủ chất dinh dưỡng, sinh trưởng tốt thì việc cần làm chính là bón phân. Bón phân không chỉ cung cấp thức ăn dinh dưỡng cho cây mà còn góp phần tiêu diệt vi khuẩn, các mầm bệnh tiềm ẩn. Hiện nay có nhiều loại phân bón được sử dụng phổ biến, và phân chuồng là một trong những loại được tin dùng nhiều nhất. Phân chuồng vừa có nguồn cung dồi dào, vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây mà còn bảo vệ được môi trường. Trong phân chuồng, được sử dụng nhiều nhất là phân bò và các loại phân dê, phân gà… Mỗi loại đều có ưu, nhược điểm riêng mà hôm nay chúng ta sẽ được tìm hiểu.
Phân chuồng có công dụng gì ?
Vì đã quá phổ biến nên có lẽ không ai là không biết đến loại phân này. Phân chuồng có nguồn gốc từ phân và nước tiểu động vật (gia súc, gia cầm). Phân không được sử dụng trực tiếp mà phải được xử lý ủ hoai theo đúng quy trình để tiêu diệt thức ăn dư thừa, vi khuẩn, mầm bệnh có trong phân động vật. Chứa nhiều chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng và chất hữu cơ, vi sinh vật có lợi nên rất tốt cho trồng trọt. Ngoài ra, phân chuồng còn có những công dụng sau:
Giúp cây phát triển tốt, cung cấp dinh dưỡng cho cây nuôi lá, giảm tình trạng lá rụng.
Cung cấp chất hữu cơ, tăng chất mùn để làm tăng độ phì nhiêu của đất, giúp đất giữ ẩm và dự trữ chất dinh dưỡng. Ngoài ra phân còn giúp cải tạo đất trồng.
Kích thích cho rễ cây phát triển. Tăng khả năng chống chịu cho cây trước thời tiết thay đổi, khả năng chống chịu sâu bệnh.
Tạo môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật có lợi phát triển.
Tuy nhiên loại phân bón này còn tồn tại một số hạn chế như phải trải qua quá trình ủ khá lâu, ủ phân tuy không khó nhưng rất dễ mắc sai lầm. Ngoài ra hàm lượng dinh dưỡng của phân chuồng cũng thấp hơn các loại phân khác. Đặc biệt, nếu muốn đạt hiệu quả cao thì cần sử dụng một lượng phân bón lớn, cần nhiều nhân công, chi phí vận chuyển. Đôi khi nhà nông phải tốn thêm chi phí khác vì phân chuồng có thể làm đất chua, và phải mua thêm vôi bón cùng để tránh tình trạng này.
Phân bò và phân gà, dê có những ưu và nhược điểm gì?
Hiện nay các loại phân chuồng phổ biến mà ta thường thấy đó là phân bò, gà, dê. Ngoài ra phân từ trùn quế, cá, dơi cũng được nhà nông sử dụng nhiều. Vậy mỗi loại có những ưu và nhược điểm gì? Loại nào mới là tốt nhất cho cây trồng?
Phân bò
Là loại phân được sử dụng phổ biến và được đánh giá là mang lại kinh tế cao. Chất thải của bò có chứa nhiều nguyên tố đa, trung, vi lượng nên giúp cây đảm bảo được các chất dinh dưỡng cần thiết. Trong chất thải của loại gia súc này có chứa 1,57% N; 2,29% P205 và 1,08% K20. Đây là một phương pháp hữu hiệu trong trồng trọt. Vì rất thân thiện với môi trường nên được sử dụng như một chất cải tạo đất hiệu quả.
- Ưu điểm: Mang lại nhiều công dụng cho đất và cây trồng. Giúp giữ độ ẩm cho đất, hạn chế tình trạng khô hạn đất đồng thời giúp đất trở nên tơi xốp hơn. Ngoài ra loại phân này còn giúp giữ độ pH, chất khoáng, giảm khả năng thất thoát phân bón, tăng dinh dưỡng cho cây trồng.
- Nhược điểm: Phải trải qua quá trình ủ phân bò rất dài thì mới chuyển hóa được các chất hữu cơ. Nếu không xử lý kĩ càng thì phân sẽ có mùi hôi, còn lẫn nhiều hạt cỏ, vi khuẩn và mầm bệnh.
- Loại cây phù hợp: chuối, thanh long, tiêu, cà phê, cây cảnh, rau màu, cây ăn trái…
Trên thị trường có 2 loại phân bò thường thấy là phân thông thường và phân trang trại. Loại thông thường thì giá thành rẻ, dễ mua nhưng hàm lượng dinh dưỡng ít, có mùi. Còn phân được làm từ bò nuôi trang trại thì giá đắt nhưng phân chất lượng, không có hạt cỏ và hàm lượng dinh dưỡng cao.
Phân gà
Cũng là loại phân thông dụng hiện nay, chứa nhiều chất dinh dưỡng trong các loại phân chuồng. Loại phân này rất đa dạng sản phẩm trên thị trường, đa số được nhập khẩu từ các nước Úc, Nhật Bản…
- Ưu điểm: Là loại có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất, hàm lượng OM trên 60%. Thúc đẩy sự nảy mầm của hạt, giúp cây con bén rễ, phát triển mạnh. Ngoài ra còn giúp tăng sức đề kháng cho cây, giảm các bệnh: xoắn lá, trùng đọt, vàng lá… Và giúp tăng cường sự thụ phấn. Khi sử dụng cho cây ăn quả sẽ giúp quả ngon hơn, tăng hương vị. Bên cạnh đó phân gà giúp cải tạo đất, giảm mặn, giảm chua.
- Nhược điểm: Bón quá nhiều sẽ gây chua đất, ngộ độc cây trồng. Có thể gây nóng cho cây khi không được cung cấp đủ nước. Loại này thường có mùi hôi khó chịu.
- Loại cây phù hợp: Ớt, hoa cúc, hoa hồng, cây vạn thọ.
Phân dê
Được đánh giá là phân bón chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và cân đối. Trong phân có nhiều chất dinh dưỡng như NPK, vi sinh vật có lợi, khoáng trung và vi lượng. Theo các số liệu cho biết 1 tấn phân dê chứa 22kg nito. Do đó phân rất được nhà nông tin dùng để tăng năng suất cây trồng.
- Ưu điểm: Ít mùi nên không thu hút côn trùng có hại cho cây. Phân có dạng viên nhỏ nên quá trình ủ khá thuận lợi. Có tính nguội, pH cân bằng và ít muối và không gây nóng cho cây. Ngoài ra phân còn tạo nên sự đa dạng của các vi sinh vật trong đất. Giúp đất đai thêm phì nhiêu, màu mỡ, giảm dư lượng chất hóa học trong đất.
- Nhược điểm: Hiệu quả khá chậm so với các loại phân hoá học. Đặc biệt loại này rất dễ bị trơ khi tiếp xúc với môi trường.
- Loại cây phù hợp: Hoa hồng, hoa lan.
3 loại phân chuồng với những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Đều có công dụng cải tạo đất và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng. Nếu để trả lời cho câu hỏi loại nào tốt nhất thì có lẽ khá khó khăn. Bởi vì mỗi loại đều có những ưu điểm riêng. Do vậy tùy nhu cầu, loại cây trồng mà các bạn nên chọn loại phân phù hợp nhất cây của mình.