1. Khái niệm phân bón hữu cơ sinh học
Là loại phân bón hữu cơ được chế biến dựa trên nguồn nguyên liệu hữu cơ (có thể có thêm than bùn) được xử lý và lên men theo một quy trình công nghiệp với sự tham gia của một hay nhiều chủng vi sinh vật nhằm tiêu diệt các mầm bệnh có trong nguyên liệu và nâng cao hàm lượng chất dinh dưỡng chứa trong phân bón để cung cấp cho cây trồng.
2. Phân bón hữu cơ sinh học có công dụng gì?
– Có hiệu quả cao trong việc cung cấp các chất dinh dưỡng đa – trung – vi lượng cho cây trồng, cũng như việc cân bằng, cải tạo đất trồng.
– Bên cạnh đó, phân bón hữu cơ sinh học được xem là loại phân bón thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm và tiết kiệm được nguồn nguyên liệu có sẵn, giảm thiểu chi phí đầu tư nguồn phân bón.
Đối với phân bón hữu cơ sinh học, ngoài việc cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết giúp cây trồng phát triển, chúng còn có khả năng thúc đẩy hệ vi sinh vật đất hoạt động mạnh mẽ, tạo nên cơ chế phân giải những chất khó hấp thu thành chất dễ hấp thu, giúp chuyển đổi nitơ trong không khí thành dạng cây trồng hấp thu được, sản sinh ra một số chất có tác dụng kích thích sự sinh trưởng của cây trồng, phân hủy các độc tố tích tụ trong đất lâu năm,…
Không những vây, phân bón hữu cơ sinh học còn giúp duy trì độ phì nhiêu cho đất, cân bằng độ pH và giữ nguyên thủy cấu trúc đất, cung cấp cung cấp một lượng mùn lớn cho đất và làm thức ăn cho hệ vi sinh vật đất
3. Phân bón hữu cơ sinh học và những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng phân bón
Sử dụng kết hợp giữa phân bón hữu cơ sinh học và thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu hay các loại hóa chất độc hại đều gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và hoạt động của các vi sinh vật có lợi trong phân bón hữu cơ sinh học, có thể làm cho các cá thể vi sinh vật chết.
Bên cạnh đó, nếu bà con sử dụng quá nhiều phân bón hóa học trong quá trình chăm sóc cho cây trồng, lượng phân bón hóa học dư sẽ tích tụ trong đất, khiến cản trở cho việc phát huy tác dụng phân giải của các vi sinh vật có lợi.